Lịch sử Người_Indonesia_gốc_Hoa

Các tương tác ban đầu

Các thuyền mành của người Hoa trên eo biển Singapore, khoảng 1936

Phong trào người dân từ Trung Quốc tiến đến Đông Nam Á Hàng hải lần đầu tiên theo ghi chép diễn ra khi quân Mông Cổ dưới quyền Hốt Tất Liệt kéo đến, đỉnh điểm là xâm chiếm Java vào năm 1293. Người Nguyên đưa các kỹ thuật của Trung Hoa đến quần đảo, bao gồm đóng tàu và đúc tiền. Can thiệp của người Nguyên đẩy nhanh sự suy sụp của các vương quốc cổ như Singhasari và thúc đẩy sự xuất hiện của đế quốc Majapahit.[9] Một số nguồn tiếng Hoa và Bồ Đào Nha biểu thị rằng các thương nhân người Hoa là những người đầu tiên đến TernateTidore thuộc Quần đảo Maluku để mua đinh hương, nhưng sau đó họ bị người Java đẩy lui khi Majapahit khoách trương.[10]

Các thương nhân người Hồi từ duyên hải miền đông của Trung Quốc đến các đô thị duyên hải của Indonesia và Malaysia vào đầu thế kỷ 15. Họ nằm dưới quyền lãnh đạo của Trịnh Hòa, là người chỉ huy vài hành trình đến khu vực Đông Nam Á từ năm 1405 đến năm 1430. Trong Doanh nhai thắng lãm, dịch giả Mã Hoán của Trịnh Hòa cung cấp tư liệu về các hoạt động của người Hồi trong quần đảo và di sản mà Trịnh Hòa cũng thuộc hạ để lại.[11] Các thương nhân người Hồi định cư dọc duyên hải phía bắc của Java, song không có văn kiện về các khu định cư của họ sau thế kỷ 16. Người Hồi có vẻ như đã bị hấp thu và cộng đồng Hồi giáo chiếm đa số.[12] Từ năm 1450 đến năm 1520, quan tâm của triều Minh tại khu vực Đông Nam Á xuống mức thấp và mậu dịch cả hợp pháp và phi pháp đều hiếm khi tiếp cận quần đảo.[13] Người Bồ Đào Nha không đề cập đến bất kỳ dân cư thiểu số người Hoa nào khi họ đến Indonesia vào đầu thế kỷ 16.[14] Mậu dịch từ phương bắc được tái lập khi Trung Quốc hợp pháp hóa mậu dịch tư nhân vào năm 1567 thông qua cấp phép cho 50 thuyền mành mỗi năm. Vài năm sau, bạc bắt đầu chảy vào khu vực, từ Nhật Bản, Mexico và châu Âu, và mậu dịch lại một lần nữa hưng thịnh. Các khu vực kiều dân riêng của người Hoa xuất hiện tại hàng trăm cảng trên khắp Đông Nam Á, bao gồm cả cảng hạt tiêu của Banten.[13]

Các thương nhân người Hoa tẩy chay Malacca sau khi lãnh thổ này rơi vào tay người Bồ Đào Nha vào năm 1511.[15] Người Hoa giao dịch kinh doanh với người Mã Lai và người Java thay vì người Bồ Đào Nha.[16] Một số người Hoa tại Java giúp đỡ trong các nỗ lực của người Hồi giáo nhằm tái chiếm thành phố bằng tàu. Sự tham dự của người Java và người Hoa trong việc tái chiếm Malacca được ghi chép trong "Biên niên sử Mã Lai Semarang và Cerbon".[15]

Quan điểm thuộc địa (1600–1900)

Các lao công người Hoa chờ các quan chức nhập cư soạn thảo các khế ước của họ tại Medan, khoảng 1920–1940

Thời điểm người Hà Lan đến vào đầu thế kỷ 17, tồn tại các khu dân cư lớn của người Hoa dọc duyên hải phía bắc của Java. Hầu hết cư dân tại đó là thương nhân, song họ cũng sản xuất nông nghiệp trong các khu vực nội lục. Người Hà Lan ký hợp đồng với nhiều trong số các di dân này với thân phận là những thợ thủ công lành nghề khi xây dựng Batavia (Jakarta) trên duyên hải phía tây bắc của đảo Java.[12] Batavia là một bến cảng mới thiết lập, được chọn làm trụ sở của Công ty Đông Ấn Hà Lan vào năm 1609. Batavia phát triển thành một trung tâm lớn về mậu dịch với Trung Quốc và Ấn Độ, trở thành nơi cư trú của một cộng đồng người Hoa đông đảo tại quần đảo và duy trì điều này sang đến thế kỷ 21.[17] Các toàn quyền ban đầu của Đông Ấn Hà Lan khuyến khích nhập khẩu di dân người Hoa đến các khu dân cư mới vì lợi ích của các địa điểm này và vì mục đích thu thập các gia vị như đinh hương, nhục đậu khấu.[18] Dân số người Hoa tại Batavia tăng từ 300–400 vào năm 1619 lên đến ít nhất 10.000 vào năm 1740.[19] Tuy nhiên, người Hà Lan thi hành một hệ thống phân loại chủng tộc mà theo đó tách cư dân gốc Hoa khỏi các đối tượng khác.[20]

Hầu hết người Hoa định cư tại quần đảo đã đoạn tuyệt các quan hệ của họ với Trung Quốc và hoan nghênh đối đãi thuận lợi và bảo hộ dưới quyền người Hà Lan.[21] Một số trở thành trung gian trong cấu trúc của Công ty Đông Ấn Hà Lan, có nhiệm vụ thu thuế quan xuất nhập khẩu và quản lý thu hoạch tài nguyên thiên nhiên;[22] mặc dù điều này sinh lợi cao độ song nó gây ra tình trạng thù địch của cư dân pribumi đối với người Hoa. Những người khác lao động trong thân phận lao công thuốc phiện.[23] Sau Thảm sát Batavia năm 1740 và chiến tranh tiếp đó, trong đó người Hoa nổi loạn chống người Hà Lan,[24] người Hà Lan nỗ lực đặt một hạn ngạch về số lượng người Hoa có thể đến Đông Ấn. Hạ Môn được xác định là cảng di cư duy nhất đến Đông Ấn, và các tàu bị hạn chế một số lượng cụ thể thủy thủ đoàn và hành khách tùy theo kích cỡ. Hạn ngạch này được điều chỉnh nhiều lần nhằm đáp ứng nhu cầu về lao công hải ngoại, như trong tháng 7 năm 1802 khi các nhà máy đường gần Batavia có nhu cầu về lao công.[25]

Khi Công ty Đông Ấn Hà Lan được quốc hữu hóa vào ngày 31 tháng 12 năm 1799, nhiều đặc quyền của người Hoa thời Công ty bị chính phủ Hà Lan loại bỏ. Trong số đó có việc người Hoa được độc quyền buôn bán muối do Công ty Đông Ấn Hà Lan cấp.[26] Một quy định vào năm 1816 đưa ra một yêu cầu cho cư dân bản địa và người Hoa đi lại trong lãnh thổ phải có một giấy phép di chuyển. Những người không mang một giấy phép phải đối diện với việc bị lực lượng an ninh bắt giữ. Toàn quyền cũng đưa ra một nghị quyết vào năm 1825 mà theo đó cấm chỉ "người ngoại quốc châu Á tại Java như người Mã Lai, người Bugis, và người Hoa" cư trú trong cùng khu phố như người bản địa.[27] Sau Chiến tranh Java (1825–1830) đắt giá, người Hà Lan thi hành một hệ thống ruộng đất và canh tác mới, theo đó yêu cầu các nông dân "dành ra một phần ruộng của họ và canh tác các cây trồng phù hợp với thị trường châu Âu". Canh tác cưỡng bách khôi phục kinh tế của thuộc địa, song kết thúc hệ thống các nông trường thu nhập được thiết lập từ thời Công ty Đông Ấn Hà Lan.[28]

Trường học Hà Lan-Trung Hoa đầu tiên được thành lập vào năm 1892 sau khi chia tách chương trình giảng dạy khỏi trường cho cư dân bản địa.

Người Hoa bị cho là các cư dân tạm thời và gặp khó khăn trong việc đạt được quyền sở hữu đất. Người châu Âu được dành ưu tiên trong việc lựa chọn các khu vực đồn điền, trong khi các quan chức thuộc địa cho rằng các mảnh đất còn lại cần phải được bảo vệ và bảo tồn cho dân bản địa. Các hợp đồng thuê đất ngắn hạn và được gia hạn với thời hạn khác nhau[lower-alpha 1] sau đó được thực hiện như một giải pháp tạm thời, song nhiều người Hoa vẫn giữ các mảnh đất này sau khi mãn hạn cho thuê trong hợp đồng và trở thành những người chiếm đất.[29] Trong nửa sau của thế kỷ 19, chính phủ thuộc địa thử nghiệm ý tưởng một "chính sách dân tộc" nhằm bảo hộ cư dân bản địa, đặt người Hoa thành "kẻ thủ trước tiên của quốc gia". Dưới chính sách mới, chính phủ tăng cường các hạn chế đối với hoạt động kinh tế của người Hoa vì cho rằng hoạt động này bóc lột cư dân bản địa.[30]

Tại miền tây Borneo, người Hoa thiết lập khu dân cư khai mỏ lớn đầu tiên vào năm 1760. Họ trục xuất những người định cư Hà Lan và các quân chủ Mã Lai địa phương, liên hiệp thành một nước cộng hòa mới mang tên Lan Phương. Đến năm 1819, họ tham gia xung đột với chính phủ Hà Lan và bị người Hà Lan nhìn nhận là "không phù hợp" với các mục tiêu của họ.[31] Quần đảo Bangka-Belitung cũng trở thành một hình mẫu về các khu dân cư lớn trong các khu vực nông thôn. Năm 1851, có 28 người Hoa được ghi nhận trên quần đảo và đến năm 1915 thì dân số người Hoa tăng lên gần 40.000 và các ngành ngư nghiệp và thuốc lá được phát triển. Cu li được đưa đến khu vực sau khi kết thúc thế kỷ 19 hầu hết là thuê từ Các thuộc địa Eo biển do tồn tại trở ngại trong tuyển dụng tại Trung Quốc.[32]

Chủ nghĩa dân tộc bị phân ly (1900–1949)

Trường Hoa văn do Trung Hoa hội quán sở hữu tại Sungailiat, Bangka

Tôn Dật Tiên đến Đông Nam Á vào năm 1900,[33] và trong năm đó tổ chức xã hội-tôn giáo Trung Hoa hội quán được thành lập. Mục tiêu của họ là khuyến khích người Hoa tại Đông Ấn hỗ trợ phong trào cách mạng tại Trung Quốc. Trong nỗ lực của mình nhằm xây dựng các trường Hoa văn, hội quán lập luận rằng giảng dạy tiếng Anh và tiếng Hoa nên được ưu tiên so với tiếng Hà Lan, nhằm cung cấp cho học sinh lựa chọn "một hành trình hai hoặc ba ngày (Java–Singapore) đến một thế giới rộng hơn nơi họ có thể di chuyển tự do" và thoát khỏi các hạn chế về hoạt động của mình.[34] Một vài năm sau đó, nhà cầm quyền Hà Lan bãi bỏ các chính sách kỳ thị chủng tộc của họ, bãi bỏ các giấy phép đi lại đối với người Hoa, và cho phép họ di chuyển tự do trên toàn thuộc địa. Cách mạng Tân Hợi năm 1911 rồi Trung Hoa Dân Quốc thành lập vào năm 1912 đồng thời với một phong trào dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa đang phát triển tại Đông Ấn Hà Lan.[33]

Mặc dù trong cư dân bản địa không tồn tại phong trào dân tộc chủ nghĩa có thể nhận biết cho đến năm 1908, song nhà cầm quyền Hà Lan lo sợ rằng các tình cảm dân tộc chủ nghĩa sẽ lan truyền với sự phát triển của các hiệp hội hỗn hợp về dân tộc, gọi là kongsi (công ty). Năm 1911, một số thành viên người Java của Công ty Kong Sing tại Surakarta tách ra và xung đột với người Hoa. Sự kiện này dẫn đến việc thành lập Sarekat Islam, phong trào dân tộc chủ nghĩa đại chúng có tổ chức đầu tiên tại Đông Ấn Hà Lan. Các nhóm bản địa nhìn nhận tình cảm dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa là "ngạo mạn", dẫn đến đối kháng lẫn nhau.[35] Tình cảm bài Hoa lan truyền khắp Java vào năm 1918 và dẫn đến bạo lực quy mô lớn do các thành viên Sarekat Islam sắp đặt nhằm vào người Hoa tại Kudus.[36] Sau sự kiện này, nhật báo cánh tả tiếng Hoa Tân báo kêu gọi hai bên cùng hành động để cải thiện các điều kiện sinh hoạt do báo cho rằng hầu hết người Hoa, cũng như hầu hết cư dân bản địa là người bần cùng.[37]

Bản thảo ban đầu của Indonesia Raya, sau này được chọn làm quốc ca, trên một bản tuần san của Tân báo năm 1928[38]

Tân báo được in lần đầu vào năm 1910 và bắt đầu đạt được động lượng là nơi chủ trương hàng đầu về chủ nghĩa dân tộc chính trị Trung Hoa vào năm 1917. Người Hoa theo dòng tư tưởng của báo này từ chối bất kỳ tham dự trong các thế chế địa phương, và sẽ chỉ tham gia đến các hoạt động chính trị liên quan đến Trung Quốc.[39] Một dòng tư tưởng thứ nhì được hình thành từ những người Hoa giàu có, họ tiếp nhận giáo dục từ các trường học do người Hà Lan điều hành. Nhóm thân Hà Lan này mong muốn tăng cường tham dự trong chính trị địa phương, giáo dục tiếng Hà Lan cho người Hoa, và tăng cường hơn nữa vị thế kinh tế của người Hoa trong kinh tế thuộc địa. Phong trào này được đại biểu người Hoa duy nhất trong Volksraad là Giản Phúc Huy (Kan Hok Hoei) bênh vực, giành được động lượng và đạt đỉnh với Trung Hoa hội vào 1928, với Giản Phúc Huy là hội trưởng. Tổng biên tập của tạp chí tin tức Madjallah Panorama chỉ trích Tân báo làm người Hoa lạc lối khi khi thúc bách họ vào một lập trường dân tộc chủ nghĩa Trung Hoa.[40]

Năm 1932, các phần tử người Hoa thân Indonesia thành lập Partai Tionghoa Indonesia nhằm hỗ trợ hấp thu người Hoa vào cư dân Java và ủng hộ yêu cầu về tự quản cho Indonesia. Thành viên của nhóm này chủ yếu là người Peranakan.[41] Sự phân chia này lại nổi lên khi kết thúc thời kỳ Nhật Bản chiếm đóng (1942–1945).[42] Trong thời kỳ Thế chiến, các cộng đồng người Hoa bị quân Nhật tấn công, một phần là vì họ bị nghi ngờ có các cảm tình viên của Quốc Dân đảng. Khi người Hà Lan trở lại sau chiến tranh, hỗn loạn bắt nguồn từ quân Hà Lan và những người cách mạng Indonesia cũng chứng kiến các nhóm Hồi giáo cấp tiến tấn công các cộng đồng người Hoa.[36]

Mặc dù các nhà lãnh đạo cách mạng Indonesia đồng cảm với người Hoa, song họ không thể ngăn bạo lực lẻ tẻ. Những người chịu tác động đã tẩu thoát khỏi các khu vực nông thôn để đến các đô thị do người Hà Lan kiểm soát, một động thái mà nhiều người Indonesia nhận định là chứng minh cho tình cảm thân Hà Lan.[43] Tuy nhiên, người Hoa cũng có đại diện và tham dự trong các nỗ lực độc lập, bốn thành viên của Hội điều tra chuẩn bị độc lập (BPUPKI) và một thành viên của Ủy ban chuẩn bị độc lập (PPKI) mang tên của người Hoa.[44]

Lòng trung thành bị nghi ngờ (1950–1966)

Người Hà Lan từ bỏ yêu sách lãnh thổ của họ đối với quần đảo (ngoại trừ Tây Papua) sau Hội nghị bàn tròn 1949, cùng năm với sự kiện Quốc Dân đảng triệt thoái đến Đài Loan, quyền kiểm soát Trung Quốc đại lục chuyển sang Đảng Cộng sản Trung Quốc. Hầu hết người Hoa Indonesia cho rằng một Trung Quốc cộng sản kém hấp dẫn hơn một Indonesia mới độc lập, song tại quần đảo lòng trung thành của họ bị nghi ngờ. Những Hoa sinh tại Đông Ấn Hà Lan và có cha mẹ định cư dưới sự cai quản của người Hà Lan được xem như công dân của quốc gia mới theo nguyên tắc jus soli, tức quyền nơi sinh.[43] Tuy nhiên, pháp luật Trung Quốc nhìn nhận một cá nhân là công dân Trung Quốc dựa theo nguyên tắc jus sanguinis, tức quyền huyết thống. Điều này có nghĩa là toàn bộ công dân Indonesia gốc Trung Quốc cũng được Trung Quốc tuyên bố là công dân. Sau vài nỗ lực của hai chính phủ nhằm giải quyết vấn đề, Indonesia và Trung Quốc kỳ hết một hiệp định quốc tịch kép bên lề Hội nghị Á-Phi 1955 tại Bandung. Một trong các điều khoản là khả năng từ bỏ quyền công dân Trung Quốc đối với những ai chỉ muốn còn là công dân Indonesia.[45]

Có đến 390.000 người Hoa, tức hai phần ba số người có thỉnh cầu hợp pháp đối với quyền công dân Indonesia, tuyên bố từ bỏ quyền công dân Trung Quốc khi hiệp định có hiệu lực vào năm 1962.[45] Trên phương diện khác, ước tính 60.000 học sinh người Hoa dời đến Trung Quốc trong các thập niên 1950 và đầu thập niên 1960.[46] Đợt học sinh đầu tiên hầu như đều được giáo dục trong các trường Hoa văn, song không thể tìm được cơ hội giáo dục bậc đại học tại Indonesia. Họ tìm kiếm các nghề khoa học có chất lượng, tiến vào Trung Quốc với hy vọng cao về tương lai của mình và của Trung Quốc đại lục.[47] Các đợt di cư tiếp theo diễn ra vào năm 1960 trong khuôn khổ một chương trình hồi hương, và vào năm 1965–1966 sau một loạt bạo lực chống cộng cũng thu hút phẫn nộ hướng đến người Hoa. Có đến 80% các sinh viên ban đầu cuối cùng trở thành những người tị nạn tại Hồng Kông.[46] Theo các chương trình Cách mạng Văn hóa (1966–1976), người Hoa hải ngoại hồi người bị nghi ngờ về lòng trung thành của họ do có các liên kết với ngoại quốc.[48] Do hầu hết trưởng thành trong một môi trường đô thị nên họ bị đưa đến nông thôn nhằm chống xuất thân giai cấp, và cuối cùng mất liên lạc với gia đình của họ.[49] Họ bị tấn công vì là "tên đế quốc", "tên tư bản", "tên gián điệp", "tên lai", và "quỷ ngoại quốc".[47]

Các hạn chế về kinh doanh bán lẻ phi bản địa nông thôn vào năm 1959 dẫn đến đô thị hóa nhanh chóng trong cộng đồng người Hoa.[50]

Năm 1959, sau khi thi hành chế độ độc tài mềm thông qua Dân chủ có hướng dẫn, chính phủ và quân đội Indonesia bắt đầu áp đặt các hạn chế đối với các quyền cư trú và mậu dịch của ngoại kiều. Các hạn chế này đạt đỉnh khi ban hành Điều lệ Tổng thống số 10 vào tháng 11 năm 1959, cấm chỉ các cá nhân phi bản địa hoạt động dịch vụ bán lẻ tại các khu vực nông thôn. Các doanh nhân người Hoa, người Ả Rập và người Hà Lan bị nhắm mục tiêu cụ thể trong khi thi hành để cung cấp một thị trường thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp bản địa.[51] Động thái này gặp phải kháng nghị từ chính phủ Trung Quốc và một số giới trong xã hội Indonesia. Tác gia người Java Pramoedya Ananta Toer chỉ trích chính sách này trong Hoakiau di Indonesia năm 1961 của ông. Một phong trào hội nhập chủng tộc dưới sự lãnh đạo của chính đảng người Hoa Baperki bắt đầu tập trung được sự quan tâm vào năm 1963, bao gồm cả của Tổng thống Sukarno. Tuy nhiên, một loạt vụ tấn công vào cộng đồng người Hoa tại Tây Java trong tháng 5 chứng minh phong trào là đoản mệnh, bất chấp chính phủ lên án bạo lực.[52] Khi Baperki bị quy là một tổ chức cộng sản vào năm 1965, hiệp hội liên lụy đến người Hoa; điều này càng trầm trọng do Trung Quốc theo chế độ cộng sản. Có đến 500.000 người, trong đó có người Hoa,[lower-alpha 2] bị sát hại trong thanh trừng chống cộng sau đảo chính thất bại ngày 30 tháng 9 năm 1965 do nghi ngờ rằng cộng sản lãnh đạo đảo chính.[53]

Quản lý "vấn đề người Hoa" (1967–1998)

Ảnh năm 1967 của gia đình họ Bành (彭) gốc Hồ Bắc.

Khi Chính phủ Trật tự Mới của Suharto lên nắm quyền vào 1966–1967, họ thi hành một hệ thống chính trị chỉ dựa trên tư tưởng Pancasila (năm nguyên tắc). Nhằm ngăn ngừa chiến tranh tư tưởng lại nổi lên như từng xảy ra trong nhiệm kỳ tổng thống của Sukarno, "dân chủ Pancasila" của Suharto" tìm kiếm một hệ thống phi chính trị hóa mà trong đó các thảo luận về hình thành một bản sắc dân tộc Hoa cố kết không còn được cho phép.[54] Một ủy ban của chính phủ được hình thành vào năm 1967 để khảo sát các khía cạnh khác nhau của "Vấn đề người Hoa" (Masalah Cina) và đồng ý rằng buộc toàn cộng đồng di cư không phải là một giải pháp: "Thách thức là tận dụng lợi ích về năng lực kinh tế của họ trong khi loại trừ địa vị chi phối kinh tế mà họ nhận được."[55] Học viện Xúc tiến Đoàn kết Dân tộc (LPKB), một thể chế bán chính phủ, được thành lập để khuyến nghị cho chính phủ về đồng hóa thuận lợi người Hoa Indonesia. Quá trình này được thực hiện thông qua làm nổi bật khác biệt giữa người Hoa và pribumi bản địa, thay vì tìm kiếm tương đồng. Những biểu hiện của văn hóa Trung Quốc thông qua ngôn ngữ, tôn giáo, và các lễ hội truyền thống bị cấm chỉ và người Hoa bị áp lực phải nhận tên mang âm tiếng Indonesia.[56][57]

Trong các thập niên 1970 và 1980, Suharto và chính phủ của mình đưa các doanh nghiệp của người Hoa Indonesia tham gia các chương trình phát triển kinh tế của Trật tự Mới, trong khi giữ họ ở vị thế dễ bị tổn thương cao độ nhằm tăng cường quyền lực trung ương và hạn chế các quyền tự do chính trị. Quan hệ bảo trợ chủ yếu thông qua trao đổi tiền bạc lấy an ninh, nó trở thành một quy tắc được chấp thuận trong cộng đồng người Hoa, họ duy trì một khế ước xã hội mà qua đó họ có thể tuyên bố một cảm giác thuộc về quốc gia. Một thiểu số tinh hoa kinh tế trong xã hội Indonesia, bao gồm các cá nhân là người Hoa và các dân tộc khác, củng cố quan hệ với các thành viên trong gia đình Suharto và các thành viên trong quân đội để được bảo hộ, trong khi các chủ sở hữu doanh nghiệp nhỏ dựa vào các quan chức thi hành pháp luật tại địa phương.[56] Trong một phỏng vấn vào năm 1989 do học giả Adam Schwarz tiến hành, một người được phỏng vấn nói rằng, "đối với hầu hết người Indonesia, từ 'người Hoa' đồng nghĩa với tham nhũng".[58] Địa vị kinh tế của người Hoa có sự mâu thuẫn do nó không khiến thân phận của họ được chấp thuận trong phạm vi xã hội lớn hơn. Họ yếu kém trên phương diện chính trị và thường phải đối diện với quấy nhiễu xã hội.[59]

Tình cảm bài Hoa đạt đỉnh vào tháng 5 năm 1998, khi đại loạn diễn ra tại Jakarta.

Tình cảm bài Hoa tăng lên trong suốt thập niên 1990. Tổng thống Suharto tập hợp các doanh nhân hùng mạnh nhất—hầu hết là người Hoa Indonesia—trong một cuộc họp toàn quốc được truyền hình vào năm 1990 tại trang trại cá nhân, Suharto kêu gọi họ đóng góp 25% cổ phần của mình cho các hợp tác xã. Các nhà bình luận mô tả hành động này chỉ nhằm tăng cường phẫn uất và ngờ vực với người Hoa trong cư dân bản địa. Các sự kiện đại loạn bùng phát tại Situbondo (tháng 10 năm 1996), Tasikmalaya (tháng 12 năm 1996), và Rengasdengklok (tháng 1 năm 1997).[60]

Khi Suharto bước vào nhiệm kỳ tổng thống thứ 7 sau bầu cử vào ngày 10 tháng 3 năm 1998, các sinh viên Indonesia bắt đầu một loạt các cuộc đại tuần hành nhằm kháng nghị chế độ Trật tự Mới, hoạt động tiếp tục trong nhiều tuần và đạt đỉnh khi lực lượng an ninh bắt chết bốn sinh viên tại Đại học Trisakti trong tháng 5.[61] Sự kiện làm phát sinh tình trạng bạo lực quy mô lớn tại một vài thành phố trong các ngày 12-15 tháng 5. Tài sản và doanh nghiệp do người Hoa Indonesia sở hữu là mục tiêu của các đám đông, và trên 100 nữ giới bị tấn công tình dục; khía cạnh này của các cuộc náo loạn thường được chấp thuận là sự thực,[62] song bị một số nhóm người Indonesia bác bỏ.[63] Trong tình trạng lực lượng an ninh vắng mặt, các nhóm người đông đảo đã tiến hành cướp và thiêu nhiều trung tâm mua sắm tại các thành phố lớn. Tại Jakarta và Surakarta, có trên 1.000 người thiệt mạng trong các trung tâm mua sắm.[62] Hàng chục nghìn người Hoa đào thoát khỏi Indonesia sau các sự kiện này,[64] và các ngân hàng ước tính 20 tỷ USD tư bản đã rời khỏi Indonesia trong giai đoạn 1997–1999 để đến các địa điểm hải ngoại như Singapore, Hồng Kông và Hoa Kỳ.[65]

Các cải cách chính sách xã hội (1999–nay)

Năm 2001, Tết Nguyên Đán được tuyên bố là một ngày nghỉ nghỉ quốc gia của Indonesia. Các hoạt động văn hóa Trung Hoa như múa lân được cho phép trình diễn tại nơi công cộng.

Suharto từ nhiệm vào ngày 21 tháng 5 năm 1998 giữa các náo loạn.[66] Chính phủ cải cách do Bacharuddin Jusuf Habibie thành lập bắt đầu một chiến dịch nhằm tái thiết lập lòng tin đối với những người Hoa Indonesia đào thoát khỏi quốc gia, đặc biệt là các doanh nhân. Habibie kêu gọi người Hoa Indonesia đang tìm kiếm tị nạn khắp Đông Á, Úc, và Bắc Mỹ hồi hương và cam đoan an ninh từ các bộ trưởng khác nhau cũng như các nhân vật chính trị khác. Bất chấp các nỗ lực của Habibie, ông gặp phải sự hoài nghi do những nhân xét của ông trong vai trò phó tổng thống và tổng thống, khiến các thông điệp bị cho là không thành thực.[67] Một phái viên đặc biệt mô tả người Hoa Indonesia là chìa khóa để khôi phục tư bản "hết sức cần thiết" và hoạt động kinh tế, ưu tiên thuyết phục các doanh nhân. Những người khác như nhà kinh tế học Quách Kiến Nghĩa (Kwik Kian Gie), nhìn nhận các nỗ lực của chính phủ như là bảo toàn huyền thoại về sự chi phối kinh tế của người Hoa thay vì xác nhận bản sắc Trung Hoa.[68]

Các cải cách tượng trưng về quyền lợi của người Hoa Indonesia dưới chính quyền Habibie được thực hiện thông qua hai chỉ thị tổng thống. Đầu tiên là bãi bỏ sử dụng các thuật ngữ "pribumi" và "phi pribumi" trong các văn kiện chính phủ chính thức và kinh doanh. Thứ nhì là bãi bỏ cấm chỉ học Quan thoại[lower-alpha 3] và tái xác nhận một chỉ thị năm 1996 rằng bãi bỏ sử dụng SBKRI để nhận dạng các công dân gốc Hoa. Habibie thành lập một lực lượng đặc nhiệm nhằm điều tra về bạo lực tháng 5 năm 1998, song chính phủ của ông sau đó bác bỏ các phát hiện.[69] Indonesia phê chuẩn Công ước quốc tế về xóa bỏ mọi hình thức kỳ thị chủng tộc 1965 vào ngày 25 tháng 5 năm 1999.[70] Năm 2000, Tổng thống Wahid bãi bỏ cấm chỉ biểu lộ văn hóa Trung Hoa tại nơi công cộng và cho phép các phong tục truyền thống Trung Hoa được thi hành tự do mà không cần giấy phép. Hai năm sau, Tổng thống Megawati Sukarnoputri tuyên bố rằng Tết Nguyên đán sẽ được đánh dấu như một ngày nghỉ quốc gia từ năm 2003.[71] Ngoài chỉ thị của Habibie về thuật ngữ "pribumi", cơ quan lập pháp thông qua một luật công dân mới vào năm 2006, theo đó định nghĩa asli ("người bản địa") trong Hiến pháp là một cá nhân sinh tự nhiên, cho phép người Hoa Indonesia có thể tranh cử tổng thống. Luật quy định thêm rằng con của người ngoại quốc sinh tại Indonesia đủ tư cách thỉnh cầu quyền công dân Indonesia.[72]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Người_Indonesia_gốc_Hoa http://articles.chicagotribune.com/1998-03-18/news... http://www.ethnologue.com/show_country.asp?name=ID http://afp.google.com/article/ALeqM5gZ68H857ADsOp8... http://books.google.com/?id=aSEJqSQS7wkC&pg=PA179&... http://books.google.com/?id=ggyl2FSzXvgC&pg=PA12&d... http://books.google.com/books?id=pcRlgZttsMUC http://www.nytimes.com/1998/06/28/magazine/the-cap... http://www.nytimes.com/2006/04/27/opinion/27iht-ed... http://majalah.tempointeraktif.com/id/arsip/2007/0... http://www.thejakartapost.com/news/2008/05/17/film...